luat su van hung
                                               LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
                                            ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH KHÁNH HÒA

            
                     VĂN PHÒNG LUẬT SƯ VĂN HÙNG

                                                                                               

Văn phòng Luật sư Văn Hùng Nha Trang xin trân trọng kính chào Qúi vị !

"Thời gian và chuyên môn của các vị là vàng, hãy làm những việc mà các vị giỏi nhất, có hiệu quả nhất. Những công việc còn lại có liên quan đến pháp luật hoặc có liên quan đến những thủ tục hành chính các bạn hãy liên hệ với chúng tôi."      Luật sư Nguyễn Văn Hùng

Tận tâm – Chuyên nghiệp – Hiệu quả  

TRANG CHỦ GIỚI THIỆU LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG LIÊN HỆ MỘT SỐ VỤ ÁN TIÊU BIỂU

           

                Vụ án Hình sự : Trần Minh Chính và đồng bọn “ cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” tại Tổ 3 Thôn Phú Bình, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, ngày 05/4/1998.

                Đây là một vụ án hình sự tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra khá phức tạp. Vụ án phức tạp vì hiện trường vụ án không còn giữ nguyên như lúc xảy ra, vì nó diễn ra trên một dòng sông và lúc đó trời chập choạng tối.

            Phiên xử của vụ án phải hoãn 3 lần và kéo dài gần một năm trời vì tại tòa sơ thẩm hình sự của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa ý kiến của Kiểm sát viên và Luật sư Nguyễn Văn Hùng có nhiều điểm bất đồng. Trong các cuộc tranh luận gay gắt nhất và có một không hai tại tòa án này thì cả hai bên đều kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình trong việc xác định tội danh, tính chất và mức độ của Bị cáo Trần Minh Chính và tòa án tỉnh cũng phân vân trong việc quyết định.

            Cuối cùng, bản án sơ thẩm số 103/HSST ngày 04/10/1999 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên xử Bị cáo Trần Minh Chính 02 ( hai ) năm tù về Tội “ Cố ý gây thương tích” nhưng cho hưởng án treo. Trong khi Khoản 3 Điều 109 ( Luật hình sự 1985) qui định: “ phạm tội gây cố tật nặng, dẫn đến chết người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm”.

            Sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, Luật sư Nguyễn Văn Hùng tiếp tục tham dự phiên tòa phúc thẩm hình sự do Tòa án Tối cao tại Đà Nẵng xét xử để bảo vệ quan điểm của mình và bảo vệ cho Bị cáo Trần Minh Chính.

             Bị cáo Trần Minh Chính không kháng cáo nhưng gia định Người bị hại kháng cáo. Bản án phúc thẩm hình sự của Tòa án Tối cao tại Đà Nẵng số 142/HSPT ngày 23/11/2000 tuyên xử : y án sơ thẩm.

Sau đây là nội dung lược trích của vụ án:

            Cáo trạng số 75/KSĐT-TA –AN ngày 13/5/1999 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa: “ Trên cơ sở kết quả điều tra đã xác định như sau:

            Khoảng 8h00 ngày 05/4/1998, tại trạm bơm bờ sông Cái thuộc thôn Trung, xã Vĩnh Phương, Nha Trang, các tên Nguyễn Văn Sơn, Trương Công Đạo, Ngô quốc Hảo, Trần Viết Hùng, Lê Hùng Dũng, Huỳnh Trung Thìn, Lế Duy Lộc, Nguyễn Ngọc Hùng, Nguyễn Hoài Vũ, Huỳnh Tấn Tài, nguyễn Minh Hiếu, Nguyễn Hoài Vũ tổ chức uống rượu. Đến khoản 13h00 cùng ngày cả bọn đã uống hết 03 lít rượu rồi rủ nhau lên quán “ Sương Mai” thuộc thôn Phú Nẵm, xã Diên Phú mua rượu uống tiếp, Nguyễn Hoàng Vũ không uống nên bỏ về trước.

            Khoảng 16h00 cùng ngày, đồng bọn mua 05 lit rượu và rủ nhau đi ra bãi cát bờ sông Cái thuộc thôn Phú Nẵm, xã Diên Phú để tiếp tục uống và ca hát, lúc này có thêm Nguyễn Xuân Thành, Trần Thanh Tuấn, Ngô Trịnh Huy Long tham gia. Cũng thời gian trên, phía bên bờ sông đối diện thuộc trạm bơm số 3 thôn Phú Nẵm, xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang có Lương Cấp Thời, Lương Hành Sự, Phan Trị (Tèo) ra sông tắm. Nguyễn Văn Sơn thấy Thời, Trị, Sự đang tắm đã lên tiếng chọc ghẹo và khiêu khích đánh nhau dẫn đến hai bên thách đố chửi nhau qua lại. Số thanh niên bên bờ sông Phú Nẵm hù dọa bơi qua sông đánh nhau nên Lương Cấp Thời chạy vào bãi đất có số thanh niên xã Vĩnh Thạnh đang đá banh gọi Nguyễn Ngọc Nam, Lương Triều Đại, Nguyễn Ngọc Khá, Mai Tấn , Thái Dũng, Trần Minh Chính, Lê Đổ Trường Sơn và một số thanh niên khác kéo ra bờ sông, hai bên tiếp tục thách đố, chửi nhau. Nghe ồn ào ông Thái Nhiên là Tổ trưởng của thôn ra yêu cầu giải tán và ôm bó cây tre về nhà, nên số thanh niên Vĩnh Thạnh lần lượt ra về. Còn lại Chính, Quốc, Sơn, Dũng, Trị và Thái Thị Thu Lâm. Thấy bên Vĩnh Thạnh ít người nên Nguyễn Văn Sơn tiếp tục chửi khiêu khích.

            Khoản 18h00 cùng ngày, Nguyễn Văn Sơn lấy một đoạn tre tròn, dài khoản 02m cùng với Huỳnh Trung Thìn ( Thiện), Trần Thanh Tuấn, Nguyễn Ngọc Hùng, Lê Duy Lộc, Ngô Trịnh Huy Long, Huỳnh Văn Tài, Trần Việt Hùng, Ngô Quốc Hảo, Nguyễn Hoài Vũ hò hét bơi qua sông mục đíc là đánh nhau với phía Sơn, Quốc, Dũng.

            Khi số thanh niên Vĩnh Phương đang bơi dưới sông thì Phan Trị, Thái Thị Thu Lâm nhặt gạch, đá cho Chính, Dũng, Quốc, Sơn ném xuống sông về phía thanh niên Vĩnh Phương. Nhóm thanh niên Vĩnh Phương sợ bị trúng đá nên lần lượt bơi trở lại sông Phú Nẵm và phát hiện ra Nguyễn Văn Sơn bị mất tích (từ bút lục 70 đến bút lục 309).

           Khoảng 22h00 cùng ngày, gia đình Nguyễn Văn Sơn tìm thấy xác Nguyễn Văn Sơn tại khu vực sông Cái thuộc thôn Phú Bình, xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang.

           Qúa trình điều tra các tên Trần Minh Chính, Lê Đổ Trường Sơn, Thái Dũng, Mai Tấn Quốc đều thừa nhận hành vi ném đá, gạch xuống sông về phía thanh niên Vĩnh Phương đang bơi, nhưng không nhằm ném vào một ai và không thừa nhận ném trúng người nào dưới sông.

          Nhưng Mai Tấn Quốc khai có thấy Trần Minh Chính  ném trúng một người đang bơi, Thái Dũng và Lê Đổ Trường Sơn khai trên đường về Chính có nói ném trúng một người nhưng không biết trúng ai.

          Trần Minh Chính không thừa nhận ném trúng Nguyễn Văn Sơn và cũng không thừa nhận có nói đã ném trúng như lời khai của Thái Dũng và Lê Đổ Trường Sơn ( bút lục số 62,63,64,65,66,67,68,69,70,71,72).

          Tại bảng giám định pháp y tử thi số 30/98- GĐPY ngày 14/4/1998 của Tổ chức giám định pháp y tỉnh Khánh Hòa có kết luận:

Dấu vết và thương tích trên tử thi Nguyễn Văn Sơn như sau:

        - Vùng mặt có vết rách hình khe bờ mép nham nhở dọc theo sống mũi trái kích thước 02cm x 0,5cm, vết rách sâu vào hốc mũi.

          -Vùng gò má tụ máu, trầy xước kích thước 4,5cm x 3,5cm.

Giải phẩu tử thi:

           -Tổ chức dưới da vùng thái dương chẩm phải tụ máu diện 09cm x 07cm.

        - Xương hộp sọ không bị tổn thương.

        -Màng cứng không bị tổn thương.

        -Tổ chức nhu mô phù nhẹ. Tiểu não xuất huyết dịch ( máu không đông khoảng 150ml).

        -Xương nền xọ vỡ nứt tại hốc mũi trái.

        -Trong xương bướm có dịch hồng trong.

         Kết luận: Qua khám nghiệm đại thể, kết quả vi thể, kết quả độc chất, nguyên nhân tử vong của nạn nhân Nguyễn Văn Sơn do ngộp nước trong tình trạng chấn thương xọ não kín trên cơ địa có nồng độ rượu đủ say.

                                                Kết luận:

           Khoảng 16h ngày 05/4/1998 tại trạm bơm số 3 thôn Phú Bình, xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang, Trần Minh Chính đã có hành vi ném đá: hậu quả làm Nguyễn Văn Sơn chết do ngộp nước. Lê Đổ Trường Sơn, Thái Dũng, Mai Tấn Quốc, Phan Trị, Lương Cấp Thời, Quỳnh Trung Thìn, Tràn Thanh Tuấn, Nguyễn Hoài Vũ, Ngô Quốc Hảo, Trần Viết Hùng, Nguyễn Ngọc Hùng, Lê Duy Lộc, Ngô Trịnh Huy Long, Huỳnh Tấn Tài đã có hành vi ném đá, chửi nhau gây rối trật tự công cộng.

…….

           Hành vi phạm tội trên đây của Trần Minh Chính đã can tội “ Cố ý gây thương tích” được qui định tại khoản 3 Điều 109 Bộ luật hình sự ( năm 1985)

           Hành vi của Lê Đổ Trường Sơn, Thái Dũng, Mai Tấn Quốc, Phan Trị, Lương Cấp Thời, Quỳnh Trung Thìn, Tràn Thanh Tuấn, Nguyễn Hoài Vũ, Ngô Quốc Hảo, Trần Viết Hùng, Nguyễn Ngọc Hùng, Lê Duy Lộc, Ngô Trịnh Huy Long, Huỳnh Tấn Tài đã can tội “ Gây rối trật tự công cộng” được qui định tại khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự ( năm 1985).

           Khoản 3 Điều 109 Bộ luật hình sự ( năm 1985) qui định: “phạm tội gây cố tật nặng, dẫn đến chết người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm”.

           Khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự ( năm 1985) qui định: “ Người nào gây rối trật tự công cộng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

          Trên cơ sở những chứng cứ nêu trên, quyết định truy tố ra trước Tóa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa để xét xử đối với Trần Minh Chính, Thái Dũng, Mai Tấn Quốc, Phan Trị, Lương cấp thời, Quỳnh Trung Thìn, Tràn Thanh Tuấn, Nguyễn Hoài Vũ, Ngô Quốc Hảo, Trần Viết Hùng, Nguyễn Ngọc Hùng, Lê Duy Lộc, Ngô Trịnh Huy Long, Huỳnh Tấn Tài có lý lịch nêu trên về tội “ Cố ý gây thương tích” và tội “ Gây rối trật tự công cộng” theo điều luật đã viện dẫn,

          Kèm theo cáo trạng là toàn bộ hồ sơ vụ án được dánh số từ 01 đến 351, vật chứng vụ án và danh sách những người cần triệu tập ra Tòa.

                                                 Nha Trang Ngày 13 tháng 5 năm 1999

                                         Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa

 

           Bản án sơ thẩm số 103/HSST ngày 04/10/1999 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định:

           Căn cứ khoản 3 Điều 109 BLHS, điểm b, h khoản 1 Điều 38 BLHS đối với các bị cáo: Chính, Quốc, Sơn, Dũng, Vận dụng thêm điểm a khoản 1 Điều 38 và Điều 59,60 BLHS đối với các bị cáo: Chính, Sơn, Quốc, vận dụng Điều 44 BLHS đối với bị cáo Chính, tuyên xử:

           1.Thái Dũng 03 ( ba) năm tù về tội “ Cố ý gây thương tích”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

           2.Mai Tấn Quốc 02 ( hai) năm tù về tội “ Cố ý gây thương tích”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

           3.Lê Đổ Trường Sơn  02 ( hai) năm tù về tội “ Cố ý gây thương tích”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

           4.Trần Minh Chính  02 ( hai) năm tù về tội “ Cố ý gây thương tích” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 04 năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Chính cho chính quyền địa phương nơi thường trú quản lý giáo dục trong thời gian thử thách.

            Ngoài ra còn tuyên phạt  đối với các bị cáo phạm tội “ Gây rối trật tự công cộng”

             Bản án phúc thẩm hình sự của Tòa án Tối cao tại Đà Nẵng số 142/HSPT ngày 23/11/2000 nhận định:

…. Hành vi của các bị cáo Trị, Thìn, Thời, Tuấn,Vũ Hảo , Viết Hùng, Ngọc Hùng, Lộc, Long, Tải cấu thành tội: “ Gây rối trật tự công cộng”. Xét thấy hành vi phạm tội của các bị cáo rất nguy hiểm, chúng tụ tập đông kích động nhau nên dẫn đến đến việc Chính, Quốc, Dũng , Sơn xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của người khác. Các bị cáo Trị, Thìn, Thời, Tuấn,Vũ Hảo, Viết Hùng, Ngọc Hùng, Lộc, Long xâm phạm đến trật tự, đến nề nếp quy tắc cuộc sống xã hội. Vì vậy cần thiết phải xử các bị cáo thật nghiêm minh trước pháp luật.

          Trọng vụ án này người bị hại cũng có lỗi, hồ sơ đã phản ảnh chính Nguyễn Văn Sơn là người cầm đầu trong việc uống rượu và cầm gậy tre cùng đám thanh niên Vĩnh Phương bơi sang sông để đánh một ít thanh niên Vĩnh Thạnh. Cho nên các bị cáo Chính, Quốc, Sơn, Dũng mới ném đá tới tấp để ngăn chận sự tấn công của Sơn và đồng bọn làm Sơn bị chết.

          Cái chết của Sơn do tác động trực tiếp là chấn thương sọ não kín gây ra, còn sự việc say rượu trong khi bơi dưới làn nước lạnh chỉ là nguyên nhân sâu xa có tính kết hợp thúc đẩy nhanh sự tử vong mà thôi, vấn đề đặt ra là ai đã ném trúng nạn nhân, câu hỏi không đơn giản bởi lẽ giữa lúc hổn loạn, các bị cáo mạnh ai nấy ném bừa bãi xuống sông, trời lại xẩm tối thì việc ai ném trúng ai ném trượt không thể phân biệt được rạch ròi.

          Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá tính chất mức độ của hành vi phạm tội của từng bị cáo đã gây ra, đã cân nhắc đến các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, trách nhiệm hình sự, để giải quyết vụ án phù hợp với các qui định của pháp luật. Bởi vậy, mức hình phạt đã áp dụng cho từng bị cáo là tương xứng, không có trường hợp nào quá nặng hoặc quá nhẹ.

….

         Đối với đơn kháng cáo của đại diện hợp pháp cho người bị hại là bà Trương Thị Cất ( Mẹ nạn nhân Sơn) cho rằng: án sơ thẩm xử phạt Mai Tấn Quốc, Thái Dũng, Lê Đổ Trường Sơn là quá nhẹ không tương xứng với mức độ hành vi phạm tội của bọn chúng. Đặc biệt là bị cáo Trần Minh Chính được hưởng án treo là không thỏa đáng.

       Việc người đại diện hợp pháp cho người bị hại nhận thức như vậy là chưa khách quan. Bởi vì khi quyết định hình phạt Tòa án phải dựa vào những chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, căn cứ vào nhân thân bị cáo, vào tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, căn cứ vào vào trách nhiệm khắc phục và bồi thường của bị cáo đối với nạn nhân, chú ý đến lứa tuổi đến chính sách hình sự… Và đặc biệt chú ý đến lỗi của người bị hại, nó có ý nghĩa quan trọng đến việc đánh giá vụ án. Hồ sơ vụ án xác định Nguyễn Văn Sơn là người bị hại là người có lỗi, do uống nhiều rượu ( suốt từ sáng đến chiều). Chính Nguyễn Văn Sơn khiêu khích, chửi bới. là người cầm gậy tre dài 2m, cầm đầu đám thanh niên xã Vĩnh Phương bơi sang sông để dánh một số thanh niên Vĩnh Thạnh. Chính tình tiết này quyết định việc làm giảm trách nhiệm cho các bị cáo theo quy định của Bộ luật hình sự mà Tòa án cấp sơ thẩm phải có trách nhiệm vận dụng.

          Mức án đã xử Mai Tấn Quốc và Lê Đổ Trường Sơn 02 năm tù, Thái Dũng 03 năm tù là phù hợp vì bị cáo Dũng chưa bồi thường được đồng nào cho người bị hại còn các bị cáo Quốc và bị cáo Sơn đã bồi thường một phần thiệt hại. Đối với bị cáo Chính đã bồi thường toàn bộ thiệt hai, tuy ba bị cáo điều là vị thành niên nhưng Chính ít tuổi nhất, tính tới thời điểm phạm tội y mới gần 16 tuổi. Bởi vậy y được hưởng chính sách ưu đải đối với lứa tuổi vị thành niên nói chung, bị cáo Chính còn được hưởng chính sách ưu đãi với lứa tuổi dưới 16 tuổi, khi phạm tội được xử lý theo nguyên tắc: chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chửa sai lầm, phát triển lành mạnh và để trở thành công dân có ích cho xã hội.

          Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, chính người dại diện hợp pháp cho người bị hại cũng đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Chính. Như vậy, bị cáo Chính có có 3 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 38 BLHS và còn được hưởng chính sách đối với vị thành niên phạm tội nên án sơ thẩm cho bị cáo Chính được hưởng án treo là phù hợp với với quy định của pháp luật.    Vì vậy, đơn kháng cáo của bà Trương Thị Cất đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo Quốc, Dũng, Sơn và không cho bị cáo Chính hưởng án treo là không có cơ sở chấp nhận. 

….

      Bởi các lẽ trên, Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng quyết định: áp dụng khoản 2 Điều 220 BLTTHS, sửa bản án sơ thẩm hình phạt đối với bị cáo Tuấn, y phần còn lại.

…….

         Xử phạt:

…….

4. Trần Minh Chính  02 ( hai) năm tù về tội “ Cố ý gây thương tích” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 04 năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Chính cho chính quyền địa phương nơi thường trú quản lý giáo dục trong thời gian thử thách.

…….

      Liên hệ Luật sư : Nguyễn Văn Hùng  ĐT 0258.3.876 025  Mobile:0778.554.177  Email: lsvanhung@gmail.com                                                                về trang chủ